PDA

View Full Version : ĐTDĐ: xu hướng nào sẽ thắng thế?


huongmoi
09-08-2012, 02:56 PM
Điện thoại di động (ĐTDĐ) đang trở nên đa tính năng hơn: chụp ảnh, xem phim, nghe nhạc cùng hàng loạt tính năng cao cấp khác.

http://www.t-zones.de/de/app_pic/TeaserImages/big_images/n-tv_handy_animation.gif

Điều đó đặt ra dấu hỏi lớn về tương lai của những thiết bị kỹ thuật số cá nhân chỉ có một tính năng như máy nghe nhạc, máy ảnh...

Đặc biệt, điều này càng có cơ sở khi mà doanh số bán ĐTDĐ thông minh đã vượt qua thiết bị hỗ trợ kỹ thuật số cá nhân (PDA) và số lượng ĐTDĐ tích hợp máy ảnh được tiêu thụ cao gấp bội so với máy ảnh kỹ thuật số... Vậy thì ĐTDĐ có phải sẽ trở thành “sát thủ” tiêu diệt được các thiết bị khác?

Không hẳn như vậy. Hãy cùng xem xét về trường hợp của PDA. Năm năm trước đây, ĐTDĐ và PDA là những thiết bị khác biệt rõ rệt. ĐTDĐ không có chức năng lịch công tác và chương trình duyệt email, trong khi PDA không thể thực hiện các cuộc gọi. Thế nhưng sau đó hai chủng loại này bắt đầu lấn sang lãnh địa của nhau, với những thiết bị như Sony Ericsson P900 (ĐTDĐ có các chức năng của PDA) và Treo (PDA có ĐTDĐ gắn trong).

Kết quả cuối cùng không phải là một thiết bị lưỡng tính duy nhất mà là một loạt thiết bị trung gian giữa ĐTDĐ và PDA. Tại hai đầu của xu hướng này, những kiểu ĐTDĐ và PDA “thuần chủng” vẫn tồn tại, nhưng cuộc “hôn phối” của chúng đã sinh ra hàng đàn “con lai” và nếu người dùng cần một thiết bị có cả tính năng thoại và PDA, họ có thể dễ dàng chọn loại thích hợp nhất cho nhu cầu của mình.

Một qui trình tương tự đang diễn ra với máy ảnh. Một đầu là ĐTDĐ không có máy ảnh và đầu kia là máy ảnh không gọi được điện thoại, còn phần ở giữa, đang ngày một gia tăng là những thiết bị lưỡng tính. Hầu hết trong số đó là ĐTDĐ có bổ sung chức năng chụp ảnh. Tuy nhiên, tình thế đã bắt đầu thay đổi với sự xuất hiện các loại máy ảnh có khả năng kết nối không dây. Kodak đang tung ra thị trường một loại máy ảnh tích hợp Wi-Fi; Samsung đã phát triển thành công một loại máy ảnh số với chức năng phone gắn trong; và trên thị trường Trung Quốc đã bày bán loại thiết bị này của Hãng NEC.

Tình hình tương tự cũng bắt đầu diễn ra với ĐTDĐ và máy nghe nhạc. Nhiều loại điện thoại đã có chức năng chơi nhạc nhưng hầu hết trong số đó chỉ có thể chứa vài bản nhạc. Điều đó không còn đúng khi chiếc SPH-V5400 của Samsung ra đời. Với ổ cứng gắn trong, loại máy này có thể chứa được hàng trăm bài hát. Một cách tiếp cận đáng lưu ý khác là của nhà cung cấp dịch vụ di động O2 (Anh), với sản phẩm máy chơi nhạc có khả năng tải nhạc thông qua ĐTDĐ.

Tuần trước, Sony Ericsson đã giới thiệu W800, sản phẩm “Walkman” đầu tiên kết hợp giữa máy nghe nhạc và điện thoại. Và Apple đã đạt thỏa thuận với Motorola để nhà cung cấp dịch vụ di động này sản xuất một loại ĐTDĐ tương thích với phần mềm iTunes chạy trên máy nghe nhạc iPod. Không phải tất cả thiết bị lưỡng tính mới này đều dành ưu tiên cho chức năng thoại.

Nhiều nhà phân tích cho rằng sẽ xuất hiện ngày càng nhiều các thiết bị điện tử mà trong đó tính năng ĐTDĐ bị đẩy xuống hàng thứ yếu, như công cụ duyệt email hiệu BlackBerry hoặc máy chơi game N-Gage. Cả hai đều trông khá kỳ cục khi được sử dụng để gọi điện thoại. Có thể thấy khuynh hướng này qua trường hợp của Sony, khi hãng giải trí này đang phát triển một bộ plug–in bổ sung tính năng ĐTDĐ cho máy chơi game cầm tay PSP.

Ngay cả khi tất cả các lưỡng tính kỳ lạ và đầy công dụng này ngày càng bành trướng, vẫn luôn có “đất dụng võ” cho những thiết bị một tính năng. Theo các chuyên gia, một lý do trong đó là ưu thế đa dụng của các thiết bị lai ghép phải đánh đổi bằng chất lượng của mỗi thành phần trong đó.

Vì thế, máy ảnh thuần túy luôn cung cấp những bức ảnh có chất lượng cao hơn hẳn so với ĐTDĐ chụp ảnh có cùng giá. Trong những dịp cưới xin hay hội hè, máy ảnh chuyên dụng vẫn là lựa chọn không thể thay thế. Tương tự, có vài bản nhạc yêu thích trong chiếc ĐTDĐ là điều rất thú vị, nhưng nó vẫn không thể thay thế chiếc máy nghe nhạc chuyên dụng trong những chuyến đi dài.

Nghĩa là, tương lai sẽ không chỉ thuộc về một siêu điện thoại tất cả trong một - dù điều đó tỏ ra có sức hấp dẫn với một số người - mà còn dành cho một loạt thiết bị khác, trong đó có những loại máy chuyên dụng, máy kỹ thuật số đa dụng và tất cả các dạng thức kết hợp giữa chúng. Từ chính xác nhất để miêu tả tương lai của thị trường thiết bị kỹ thuật số không phải là “hội tụ” mà là “phân kỳ”.

Theo TT